25.6.16

Tiểu thuyết Gọi anh bằng tên em – Chương 1 - 01

“Sau nhé!” Cái từ ngữ, cái giọng nói, cái thái độ.

Tôi chưa bao giờ nghe thấy ai sử dụng cái từ “Sau nhé” để nói lời tạm biệt. Nghe nó có vẻ khắc nghiệt, cộc lốc và xa lánh, được cất lên với sự thờ ơ ngầm ẩn của một người có thể chả thèm quan tâm để gặp mặt hoặc hoặc nghe thấy bạn một lần nữa.




Đó là điều đầu tiên tôi nhớ về anh ấy, và tôi có thể nghe thấy cái từ ấy cho đến tận ngày hôm nay. Sau nhé!

Tôi nhắm mắt lại, cất lên cái từ đó và tôi hồi tưởng về đất Ý, rất nhiều năm trước, tôi bước xuống con đường rợp bóng cây, nhìn thấy anh bước ra khỏi chiếc taxi, trong chiếc áo xanh da trời cuộn sóng, cổ áo rộng, kính râm, cái nón lát, mát mẻ. Đột nhiên, anh ấy bắt tay tôi, đưa cho tôi cái ba lô đeo lưng, lấy vali ra khỏi cốp xe, hỏi bố tôi có nhà không.

Mọi chuyện có lẽ đã bắt đầu ngay tại đó và vào lúc đó: cái áo sơ mi, cái tay áo xắn lên, gót chân tròn của anh trượt ra trượt vào trên đôi giày bệch Espadrilles đã sờn, háo hức trải nghiệm con đường sỏi nóng dẫn đến nhà chúng tôi, chưa gì đã hỏi “Ra bãi biển đi đường nào vậy?”

Vị khách của gia đình mùa hè này – lại một gã nhàm chán.

Sau đó, gần như không suy nghĩ, sau khi đã quay lưng về phía cái taxi, anh ta mới vẫy vẫy caí lưng bàn tay lên rồi thốt lên “Sau nhé!” để nói lời chia tay với một hành khách khác đang ngồi trong xe – có lẽ là người đi cùng để san sẻ tiền taxi đi từ nhà ga. Không thèm hỏi tên người đó, không một câu bông đùa để chia tay, chả gì cả. Lời tạm biệt duy nhất có 1 từ ấy mang một âm sắc: nhanh chóng, dứt khoát và cùn quẹt, như thể anh ta chả muốn bị làm phiền. 

Tôi quan sát rồi nghĩ, để mà xem, mai này đến lúc chia tay chúng tôi anh ta lại nói lời tạm biệt theo kiểu đó. Với một tiếng cộc lốc, “Sau nhé!”.

Trong khi đó, chúng tôi sắp phải chịu đựng anh ta trong sáu tuần dài đấy.

Tôi đã hoàn toàn hoang mang. Đó là loại người khó gần.

Nhưng tôi có thể lại nảy sinh ra thích anh ta. Cứ nhìn từ cái cằm tròn xuống đến cái gót chân tròn của anh ấy mà xem. Àh, mà biết đâu tôi lại sẽ học cách ghét anh ta.

Mà cũng chính người này, cái ảnh chân dung của anh ta trong mẫu đơn ứng tuyển vị trí thực tập vài tháng trước đó đã làm dâng lên bao hứa hẹn về một mối quan hệ bùng cháy ...

Đón tiếp thực tập sinh vào mỗi mùa hè là cách bố mẹ tôi giúp đỡ các học giả trẻ hiệu chỉnh bản thảo trước khi họ xuất bản. Trong sáu tuần mỗi mùa hè, tôi phải rời khỏi phòng ngủ và chuyển xuống một phòng dưới hành lang - một căn phòng nhỏ hơn nhiều, từng thuộc về ông tôi.

Trong những tháng mùa đông, khi chúng tôi đi rời khỏi thị trấn, căn phòng đó tạm thời trở thành cái phòng chứa đồ, cái nhà kho và thậm chí là cái phòng thờ cúng mà mọi người vẫn đồn là nơi ông tôi, tôi đặt theo tên ông, vẫn cứ nghiến răng ken két trong giấc ngủ vĩnh hằng của mình. 

Những thực tập sinh mùa hè không phải trả cho bất cứ thứ gì, về cơ bản họ được tùy ý sử dụng căn nhà, miễn là họ dành một giờ hoặc hơn một ngày để giúp cha tôi mấy chuyện văn bản giấy tờ. Họ đã trở thành một phần của gia đình tôi, và sau khoảng mười lăm năm làm việc này, chúng tôi đã quen với một cơn mưa bưu thiếp và quà tặng không chỉ  vào dịp Giáng sinh mà gần như quanh năm từ các thực tập sinh cũ. Họ hết lòng vì gia đình tôi, cứ mỗi khi có dịp đến châu Âu, họ đều cố gắng dành thời gian ghé thăm thị trấn B này, đi cùng với gia đình họ, gọi là những chuyến thăm hoài cổ, đào bới những kỉ niệm thời họ là thực tập sinh ở đây. 

Trong các bữa ăn, thường có hai hoặc ba người khách khác, họ là hàng xóm hoặc người thân, đôi khi là đồng nghiệp, luật sư, bác sĩ, những người giàu có và nổi tiếng ghé qua để thăm bố tôi trên đường họ đến nơi nghỉ hè. Thỉnh thoảng chúng tôi thậm chí còn mở phòng ăn cho cặp vợ chồng du khách có nghe nói về ngôi biệt thự xưa này và chỉ đơn giản là muốn ghé qua ngắm nghía chút xíu. Rồi họ hoàn toàn phấn khích khi được mời ở lại ăn tối cùng chúng tôi và kể chuyện về họ, còn cô Mafalda tuy được thông báo vào phút cuối cũng không ngại ngần làm thêm món. 

Cha tôi, người kín đáo và nhút nhát, không yêu gì hơn là có bên cạnh một chuyên gia mới nổi đầy triển vọng trong ngành để có thể tiếp tục trò chuyện về nghiên cứu bằng vài ngôn ngữ khác nhau, sau vài ly rượu trái cây rosatello, trong lúc ánh mặt trời mùa hè nóng bức đem đến những buồi chiều tĩnh lặng, bất động không sao khác được. Chúng tôi đặt tên cho cái nhiệm vụ này “bữa tối lao lực” và sau một thời gian, hầu hết các vị khách sáu tuần của chúng tôi cũng gọi vậy.

Có lẽ mọi chuyện đã bắt đầu sớm hơn sau khi anh ấy đến, vào một trong những bữa trưa khi anh ấy ngồi cạnh tôi. Cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng, mặc dù làn da anh rám nắng sau thời gian ngắn ngủi ở Sicily vào đầu mùa hè đó, màu trên lòng bàn tay anh cũng giống như màu da nhợt, mềm mại ở lòng bàn chân, ở cổ, dưới cẳng tay, những nơi không thực sự tiếp xúc với nhiều ánh nắng mặt trời. Hầu như là một màu hồng nhạt, lấp lánh và mịn màng như mặt dưới của bụng thằn lằn. Một màu rất riêng, thuần khiết, tươi trẻ như vết hừng đỏ trên khuôn mặt của một vận động viên hoặc một ví dụ như bình minh trong một đêm giông bão. 

Điều ấy cho tôi biết những chuyện về anh ấy – những chuyện tôi không bao giờ biết để mà hỏi. 

*******
MỤC LỤC "CALL ME BY YOUR NAME"
(Gọi anh bằng tên em)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SPONSORS