Hiển thị các bài đăng có nhãn Gọi anh bằng tên em. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Gọi anh bằng tên em. Hiển thị tất cả bài đăng

26.3.20

Tiểu thuyết Gọi anh bằng tên em – Chương 4 - 23 [Call me by your name]

[Kết]

Tôi cũng muốn nói với anh rằng,

“Anh tuy ở cách đây hàng ngàn dặm nhưng cứ mỗi khi em nhìn vào chiếc cửa sổ này, em sẽ lại nghĩ về bộ đồ tắm của anh, về chiếc áo sơ mi anh vứt nằm vất vưởng, về cánh tay anh thả lơi trên lan can, và rồi đột nhiên anh xuất hiện ở đó, đốt điếu thuốc lá đầu tiên trong ngày – như cách đây 20 năm. 




Chừng nào ngôi nhà này còn tồn tại, nó sẽ còn là điểm ký ức của anh  - và cũng là của em.”

Chúng tôi đứng đó trong vài giây, nơi bố và tôi đã từng trò chuyện về anh Oliver. Và bây giờ anh Oliver và tôi lại đang đứng đây và nói về ông ấy. Ngày mai, tôi sẽ lại hồi tưởng về khoảnh khắc này và sẽ để cho những bóng ma ký ức vì sự thiếu vắng họ lảng vảng quanh tôi trong ánh chạng vạng.

"Em biết là bố có lẽ đã rất mong muốn một điều gì đó kiểu như thế này sẽ diễn ra, đặc biệt là vào một ngày hè tuyệt đẹp như thế này.", tôi nói.

"Anh chắc là bố em đã mong muốn như thế. Em đã chôn phần còn lại của bố ở đâu? ", Anh hỏi.

"Nhiều nơi lắm anh. Ở Hudson, ở Aegean, ở Biển Chết. Nhưng em giữ lại một phần ở đây để được bên bố. "

Anh ấy không nói gì. Không có gì để nói.






"Đi với em, em sẽ đưa anh đến San Giacomo trước khi anh đổi ý," cuối cùng tôi cũng nói ra điều này. "Vẫn còn kịp thời gian trước giờ ăn trưa. Anh còn nhớ đường đi chứ? "

"Anh còn nhớ đường."

"Anh còn nhớ đường," tôi lặp lại.

Anh nhìn tôi và mỉm cười. Nó làm tôi ấm lòng. Có lẽ bởi vì tôi biết anh đang cố trêu tôi.

HAI MƯƠI NĂM MỚI LÀ NGÀY HÔM QUA, VÀ NGÀY HÔM QUA CHỈ MỚI LÀ ĐẦU SÁNG NAY, VÀ ĐẦU SÁNG NAY DƯỜNG NHƯ ĐÃ NHIỀU NĂM ÁNH SÁNG TRÔI QUA RỒI.

"Anh cũng như em," anh nói. "Anh nhớ tất cả mọi thứ."

Tôi dừng lại một giây. 
Tôi muốn nói với anh, 
“Nếu anh còn nhớ tất cả mọi thứ, và nếu anh thực sự cũng như em, vậy thì ngày mai, lúc anh sắp rời đi, lúc anh đã khép cánh cửa chiếc taxi, lúc anh đã nói lời tạm biệt với những người còn lại và không còn gì trong cuộc đời này để nói với nhau nữa, 
chỉ một lần thôi,  có là một cách bông đùa hay cách đãi môi cũng được, hãy quay lại nhìn em và đừng tránh ánh mắt của em, rồi hãy làm một điều có ý nghĩa nhất đối với em về những ngày ta từng bên nhau, một điều anh đã từng làm, HÃY GỌI EM BẰNG TÊN ANH.”

*******
MỤC LỤC "CALL ME BY YOUR NAME"
(Gọi anh bằng tên em)



Tiểu thuyết Gọi anh bằng tên em – Chương 4 - 22 [Call me by your name]

Anh đã đến đúng vào một ngày đẹp trời. Bầu không một đám mây, biển cả không sóng cồn, trời không gió lốc. "Anh đã quên mất anh từng yêu nơi này đến mức nào. Và đây chính là cách anh nhớ về nó.  Vào buổi trưa nó cứ như là thiên đường vậy. "




Tôi cứ để cho anh ấy trải lòng. Thật là thú vị khi ngắm nhìn anh thả đôi mắt trôi dạt về phía biển cả xa xôi.  Có lẽ anh cũng muốn tránh phải nhìn vào mắt tôi. 

"Còn chú Anchise thì sao em?" Cuối cùng anh ấy hỏi.

"Chú ấy mất vì bệnh ung thư, thật tội nghiệp cho chú. Em từng nghĩ chú ấy lớn tuổi lắm rồi.  Vậy mà lúc mất chú ấy còn chưa đến năm mươi. "
"Chú ấy cũng yêu nơi này lắm  -  với chú ấy là những cây ghép cành và vườn cây ăn quả."
"Chú ấy mất trong phòng ngủ của ông nội."






Lại một sự im lặng.  Tôi định nói là trong phòng cũ của tôi, nhưng tôi đã thay đổi ý.
"Anh có hạnh phúc khi trở lại đây không?"
Anh ấy thực ra đã dự cảm được câu hỏi của tôi trước khi tôi cất lời.
"Em có hạnh phúc khi tôi trở lại đây không?" Anh vặn lại.

Tôi nhìn anh, cảm thấy mình như một kẻ chỉ muốn buông vũ khí đầu hàng, dù là chả có gì đe dọa mình ở đây cả. Giống như những người tuy dễ đỏ mặt  nhưng họ thường không xấu hổ về điều đó; và tôi biết một cách tốt hơn để kiềm chế cảm xúc này là hãy cứ để nó cuốn tôi trôi đi.

"Anh biết là em hạnh phúc mà.  Có lẽ là nhiều hơn mức cần thiết.", tôi nói.
"Anh cũng vậy."
Câu đó nói lên tất cả.

"Đi với em, em sẽ chỉ cho anh nơi mọi người chôn một phần tro cốt của bố."

Chúng tôi đi xuống cầu thang sau nhà, dẫn vào khu vườn xưa kia là nơi đặt cái bàn ăn sáng. "Đây là chỗ của bố. Em gọi đó là điểm ký ức. Điểm của em là ở đằng kia, nếu anh vẫn còn nhớ.”
Tôi chỉ vào cái chỗ mà xưa kia có đặt cái bàn của tôi, đứng cạnh hồ bơi.
"Anh có điểm ký ức nào ở đây không?" Anh hỏi với nụ cười nhẹ.
"Anh luôn có một điểm mà."






Tôi muốn nói với Oliver rằng hồ bơi này, khu vườn này, căn nhà này, cái sân này, hòn đảo thiên đường này, toàn bộ nơi này, sẽ luôn luôn là điểm ký ức của anh. 

Nhưng tôi đã không nói thế, tôi chỉ lên phía lầu, về mấy cái cửa sổ kiểu Pháp trong căn phòng của anh. 
“Đôi mắt của anh luôn ở đó, em muốn nói rằng,  nó ẩn sau mấy bức màn tuyệt đẹp kia, luôn nhìn ra từ căn phòng ngủ kia – căn phòng nay chẳng có ai ở.
Khi có làn gió nhẹ thổi qua và những tấm màn căng lên, em đứng từ ngoài ban công hay từ dưới đây nhìn lên,  em sẽ tự bắt mình nghĩ rằng anh vẫn đang còn ở đó, anh đang từ  thế giới của anh nhìn vào thế giới của em, và anh đang thì thầm những điều anh đã nói vào cái đêm em tìm thấy anh trên những phiến đá …

… nói rằng “Anh thật hạnh phúc khi ở đây”.

*******
MỤC LỤC "CALL ME BY YOUR NAME"
(Gọi anh bằng tên em)



Tiểu thuyết Gọi anh bằng tên em – Chương 4 - 21 [Call me by your name]

Chúng tôi vẫn để đồ đạc của anh Oliver ở tiền sảnh với hy vọng Manfredi sẽ mang chúng lên lầu trong khi Oliver và tôi đi bộ thăm quanh căn nhà.

"Em chắc là anh muốn ngắm lại chúng lắm đây," tôi nói, rồi dẫn anh thăm lại khu vườn, cái bờ rào và khung cảnh nhìn  ra phía biển. Chúng tôi men theo con đường phía sau hồ bơi, rồi trở lại phòng khách, nơi chiếc đàn piano cũ vẫn đứng bên cạnh mấy cái cửa sổ kiểu Pháp. Cuối cùng chúng tôi quay ra tiền sảnh và thấy đồ đạc của anh đã được mang lên lầu.




Một phần trong tôi có lẽ đang muốn anh nhận ra rằng đã không có gì thay đổi kể từ khi anh ở đây lần  cuối, rằng chốn thiên đường của những thiên đường vẫn còn ở đó, và cái cổng nghiêng dẫn ra bãi biển vẫn còn kêu cót két như ngày xưa, rằng cái thế giới vẫn còn nguyên vẹn - chính xác như anh lúc anh rời xa nó – ngoại trừ đã thiếu vắng Vimini, chú Anchise, và bố tôi.

Đó là cách tôi muốn chào đón anh. 

Nhưng một phần khác trong tôi lại muốn anh cảm thấy không cần thiết phải đuổi theo những hoài niệm đó  - vì hai chúng tôi mỗi người đã thăng trầm qua nhiều chặng đường đời mà không có người kia bên cạnh, nên sẽ không còn nhiều điểm chung.  Có lẽ tôi muốn anh cảm nhận được sự giày vò của mất mát và buồn đau. 






Nhưng cuối cùng, như một sự thỏa hiệp trong chính tôi, tôi đã quyết định rằng cách dễ dàng nhất đơn giản sẽ là để cho anh thấy tôi đã không quên điều gì cả.

Tôi dẫn anh đến chỗ bãi đất trống nọ - nó vẫn như bị thiêu rụi và bỏ hoang không cây cối như khi tôi cho anh xem nó hai thập kỷ trước. Tôi đã không thực hiện được lời đề nghị hồi đó. [Trong các Chương trước, Elio có dẫn Oliver đến chỗ này và giới thiệu về cái nhà ga bỏ hoang, về những người Gypsies và đề nghị dẫn Oliver đi xem mấy người đó sống thế nào, nhưng Oliver lúc đó trả lời là “Để sau đi”].

 "Mình đến đó đi, thực hiện điều đó” anh trả lời.  Đó là cách anh nói với tôi rằng anh cũng không quên câu chuyện đó.

"Có lẽ anh cũng muốn ghé qua cái ngân hàng nhỉ?”  
Anh bật cười. "Anh cá là  họ sẽ không bao giờ đóng cái tài khoản ngân hàng của anh."

"Nếu có thời gian, và nếu anh quan tâm, em sẽ đưa anh đến chỗ cái tháp chuông. Em biết anh chưa bao giờ lên đó. "
"Lên-để-chết hả?" (To-die-for)
Tôi mỉm cười lại với anh. Anh vẫn còn nhớ tên mà hai chúng tôi đặt cho nó.

Khi chúng tôi đi tham quan quanh cái khuôn viên nhìn ra biển cả xanh bao la, tôi đứng lại và ngắm nhìn anh đứng tựa vào cái lan can, đôi mắt hướng về phía vịnh. 

Bên dưới chúng tôi là mấy phiến đá nơi anh từng ngồi vào những buổi đêm, và cũng là nơi anh và Vimini đi lang thang suốt cả buổi chiều với nhau.

"Hôm nay có lẽ cô ấy đã ba mươi mấy tuổi rồi," anh nói.
"Em biết."
"Cô ấy đã viết cho anh mỗi ngày. Hàng ngày."

Anh nhìn chăm chăm vào chỗ họ từng ngồi.  Tôi vẫn còn nhớ cách hai người họ nắm tay nhau rồi hớn hở chạy lao xuống bãi biển như thế nào. 






"Một ngày nọ, cô ấy đột ngột ngừng viết thư. Và anh biết. Anh biết là vậy. Anh vẫn giữ tất cả các bức thư của cô ấy, em biết không. "
Tôi nhìn anh với một cái nhìn đầy trầm tư.
"Anh cũng giữ mọi lá thư của em," anh ngay lập tức nói thêm, để trấn an tôi, mặc dù một cách mơ hồ anh ấy không biết liệu đây có phải là điều tôi muốn nghe hay không.
Đến lượt mình, tôi cũng nói. "Em cũng giữ mọi lá thư của anh.  Và vài cái khác nữa. Em sẽ cho anh thấy sau. Mà để sau đi."

Liệu rằng anh đã không nhớ đến cái áo Billowy, hay là anh quá dè dặt, quá thận trọng, để thể hiện rằng anh biết chính xác những gì tôi đang đề cập đến? 

Anh Oliver lại tiếp tục đăm chiêu nhìn ra mặt biển xa xa.

*******
MỤC LỤC "CALL ME BY YOUR NAME"
(Gọi anh bằng tên em)



Tiểu thuyết Gọi anh bằng tên em – Chương 4 - 20 [Call me by your name]

Sau đó, tôi nhớ lại cảnh tôi ngồi trên xe anh chạy dọc con sông lấp lánh ánh sao, trên đường trở về cái khách sạn New England xưa cũ này, nó nằm trên một bờ biển mà tôi hy vọng  khung cảnh đó sẽ gợi nhắc chúng tôi về vịnh B., về những đêm đầy sao trong bức tranh của Van Gogh, hoặc về cái đêm tôi ngồi cạnh anh trên phiến đá và hôn lên cổ anh, và cũng về cái đêm cuối cùng khi chúng tôi đi dọc bờ biển, rồi cùng cảm nhận những giây phút cuối cùng đang trôi qua của điều diệu kỳ trì hoãn ngày anh rời xa tôi …




Tôi hình dung ra cảnh mình đang ở trong xe anh, tự hỏi bản thân mình, tôi có muốn điều đó không, anh có muốn không – ai mà biết được chứ;  có lẽ phải để cuộc rượu cuối tại quầy bar quyết định. Tôi biết trong bữa ăn tối hôm đó, anh ấy và tôi đã lo lắng về cùng chính xác một điều; vừa hy vọng nó sẽ xảy ra nhưng cũng vừa cầu nguyện nó sẽ không xảy ra, và cuối cùng thôi thì để cuộc rượu quyết định vậy.

Tôi có thể đọc được điều này trên gương mặt anh khi bắt gặp anh đăm chiêu lúc khui chai rượu hoặc lúc thay đổi mấy bài nhạc: anh đang cố bắt kịp những ý nghĩ đang chạy qua tâm trí tôi để cho tôi biết rằng anh và tôi đang trò chuyện về cùng một chủ đề.






Rồi khi anh rót rượu cho vợ anh, cho tôi, rồi cho chính anh, hai chúng tôi nhận ra một điều rằng anh ấy là Elio còn hơn cả chính tôi. Anh ấy đã trở thành tôi và tôi đã trở thành anh ấy trên cái  giường  đó đã rất nhiều năm trước, và anh ấy sẽ vẫn mãi mãi như vậy, dù đã là rất lâu rồi, dù đường đời chông gai đã làm nhiều điều khắc nghiệt với anh ấy – người anh trai của tôi, người bạn thân của tôi, người cha của tôi, người  con của tôi, người chồng của tôi, người tình của tôi, và cũng là chính bản thân tôi.

Những tuần mùa hè mà hai cuộc đời chúng tôi được ban tặng cho nhau, hai chúng tôi đã băng qua và đến được bến bờ kia của cuộc đời, nơi mà thời gian như ngừng trôi, nơi mà thiên đường thì đã vươn xuống, chạm vào trái đất và ban tặng cho chúng tôi những thứ hoàn mỹ nhất của tạo hóa này.  

Chúng tôi lảng tránh ánh mắt của nhau. Chúng tôi đã nói về mọi thứ trừ điều ấy. Nhưng chúng tôi đã luôn luôn biết,  không nói gì về nó chính là cách khẳng định nó hơn bao giờ hết.

Chúng ta đã tìm thấy những ngôi sao của nhau, anh và em. Và điều này chỉ được ban tặng cho chúng ta chỉ một lần trong đời. 


Mùa hè năm ngoái, anh ấy đã trở lại. 

Đó là một chuyến thăm qua đêm, trên đường anh từ Roma đến Menton. Anh đến bằng xe taxi, chạy qua con đường có hai hàng cây, rồi dừng lại tại đúng vị trí của chiếc taxi 20 năm trước.  

Anh ra khỏi xe với cái túi laptop trên tay và một chiếc túi du lịch lỉnh kỉnh, và cái hộp lớn – có lẽ là một món quà.
"Quà cho mẹ em" anh nói khi thấy tôi nhìn sang anh. 
 "Tốt hơn nên nói trước với mẹ trong đó có gì" tôi nói trong lúc giúp anh bê đồ đạc của anh xuống cái sảnh nhà.  "Mẹ em giờ nghi ngờ bất cứ ai." Anh hiểu. Điều này làm anh ấy thấy buồn. 






"Phòng cũ nhé?" Tôi hỏi.
"Uh phòng cũ", anh khẳng định, mặc dù hai chúng tôi lên kế hoạch mọi thứ qua e-mail.
"Thế thì lên phòng cũ thôi."

Tôi không hào hứng lắm để đi lên lầu với anh, và cảm thấy thật nhẹ nhõm khi thấy Manfredi và cô Mafalda chạy bổ từ nhà bếp ra để chào anh ngay khi họ nghe tiếng taxi. 

Những cái ôm nồng nhiệt và nụ hôn vồn vã của họ đã giúp xua tan sự căng thẳng phần nào mà tôi biết tôi sẽ cảm nhận ngay khi anh ấy vừa đến.  Tôi mong ước sự chào đón cuồng nhiệt của họ sẽ kéo dài suốt một tiếng đầu tiên khi anh ấy vừa đến.

Có điều gì có thể ngăn cản được viễn cảnh hai chúng tôi sẽ ngồi đối diện nhau, cùng uống cà phê và cuối cùng sẽ lại đề cập đến hai từ không thể tránh khỏi: 20 năm?

*******
MỤC LỤC "CALL ME BY YOUR NAME"
(Gọi anh bằng tên em)



Tiểu thuyết Gọi anh bằng tên em – Chương 4 - 19 [Call me by your name]

"Em sẽ không muốn là nhận một lá thư từ con trai anh báo tin xấu kiểu như: 
***Và nhân tiện, kèm theo lá thư này là một tấm bưu thiếp đóng khung mà bố  tôi yêu cầu tôi trả lại cho anh***
Và em cũng không muốn nó viết thư với nội dung kiểu như:
***Chú có thể đến đây bất kỳ khi nào chú thích, cháu chắc là bố cháu muốn chú ngủ trong phòng bố cháu. ***
"Uh anh hứa."




"Thế anh viết thêm cái gì vào mặt sau của tấm bưu thiếp thế?"
"Sẽ rất bất ngờ đấy.", anh nói.
"Em đã quá già để đón nhận những điều bất ngờ.  Ngoài ra, sự bất ngờ thường kèm theo một lưỡi dao rất bén rất dễ làm người ta đau. Em không muốn bị tổn thương do anh gây ra. Thôi nói em nghe đi.”

"Chỉ có hai từ thôi."
"Để em đoán nhé: Nếu không để sau đi thì khi nào ? [If not later, when?”]"
"Anh bảo là chỉ có hai từ thôi mà. Ngoài ra, nó cũng kỳ cục lắm. "
Tôi nghĩ ngợi một lát.
"Em chịu thôi.", tôi nói.
"Cor cordium, heart of hearts (tim trong tim), trong đời anh, anh chưa bao giờ nói điều gì thật bằng điều này."






Tôi nhìn anh chằm chằm.
Cũng may là hai chúng tôi đang ở nơi công cộng, nếu không thì …

"Chúng ta nên về đi." Anh vươn tay lấy chiếc áo choàng, lúc nãy anh gấp lại rồi đặt cạnh chỗ ngồi, rồi làm động tác đứng dậy.
Tôi đi theo tiễn anh ra ngoài hành lang của khách sạn và cứ đứng đấy nhìn anh đi. Bây giờ, cái khoảnh khắc  chúng tôi nói lời tạm biệt cũng sẽ chính là khoảnh khắc đột nhiên một phần của cuộc đời tôi sẽ bị tước đoạt khỏi tôi mà sẽ không bao giờ được trả lại.

"Cứ xem như em đã tiễn anh ra tận xe nhé!" tôi nói.
"Cứ xem như em đã đến nhà tôi ăn tối nhé!" anh nói.
"Uh, cứ xem như em đã đến"

Bên ngoài, màn đêm đổ xuống thật nhanh. Tôi thích sự bình yên và tĩnh lặng của vùng nông thôn, với quang cảnh ánh hừng nơi đường chân trời tối dần đi và dòng sông bắt đầu lấp lánh. Đất nước của Oliver đây, tôi thầm nghĩ. 

Những ánh đèn pha lê từ tòa nhà ngân hàng  bờ bên kia chiếu trên mặt nước,  khiến tôi nhớ về bức họa Đêm đầy sao trên dòng sông Rhone (Starlight Over the Rhone) của danh họa Van Gogh. [Trang bìa của clip có sử dụng bức tranh này]

Bây giờ là mùa thu và năm học cũng đã bắt đầu,nhưng rồi cái tiết trời ấm và khô thất thường kiểu mùa hè, rồi ánh hoàng hôn kiểu mùa hè lại rơi vào, khiến những công việc chưa hoàn thành từ mùa hè vẫn cứ dai dẳng, rồi nó cứ nuôi dưỡng những ảo tưởng rằng mùa hè còn mấy tháng nữa mới qua. Những ảo tưởng đó nhanh chóng tan biến khi mặt trời lên.

Tôi đã cố gắng để hình dung  ra cảnh tượng hạnh phúc trong gia đình Oliver: cảnh hai thằng nhóc đang  cắm cúi làm bài tập, hoặc chúng mới lếch thếch về nhà sau buổi chơi thể thao muộn, bực tức giậm giậm đôi giày bê bếch bùn đất. Những tiếng giậm chân đó cứ vang lên trong đầu tôi.






TÔI MƯỜNG TƯỢNG RA CẢNH:

“Đây là người đàn ông mà bố đã ở cùng nhà khi bố sống ở Ý”, anh Oliver nói với hai thằng nhóc con anh.  Theo sau lời anh vẫn là những tiếng cãi vã, gắt gỏng của hai chàng thiếu niên vì bọn chúng chả việc gì phải bận tâm đến cái gã đến từ Ý hay cái nhà ở Ý nào đó. 

Nhưng nếu anh Oliver kể thêm rằng, “Oh, nhân tiện bố nói thêm, người đàn ông này hồi đó cỡ tuổi bọn con bây giờ, cậu ta sáng sáng dành vài giờ lặng lẽ sao chép Bảy lời cuối cùng của Chúa Kitô, rồi một đêm nọ cậu ấy lẻn vào phòng của bố rồi bố và cậu ta đã cùng làm “chuyện ấy”. Vì thế, nếu có gặp thì bọn con phải bắt tay và cư xử với chú ấy cho đẹp vào!”, 
thì  ôi, chắc hai đứa bọn nó sẽ đứng sững lại trong bàng hoàng. 

*******
MỤC LỤC "CALL ME BY YOUR NAME"
(Gọi anh bằng tên em)



Tiểu thuyết Gọi anh bằng tên em – Chương 4 - 18 [Call me by your name]

"Gặp em ở đây cũng giống như thức dậy từ một cơn hôn mê kéo dài hai mươi năm.

Bạn nhìn quanh và bạn thấy rằng người vợ của mình đã ra đi, con cái đều đã trưởng thành mà suốt tuổi thơ của chúng, bạn đã không có mặt, có đứa đã lập gia đình.




Bố mẹ của bạn đã qua đời từ cách đây rất lâu, bạn không còn bạn bè, cái khuôn mặt nhỏ bé nhìn chằm chằm vào bạn qua cặp kính không thuộc về ai khác ngoài  đứa cháu nội của bạn. Bố mẹ nó mang nó đến đây để chào đón người ông tỉnh lại sau giấc ngủ rất dài.

Khuôn mặt của bạn trong gương cũng trắng bệch của Rip Van Winkle [một nhân vật trong một truyện ngắn Mỹ cùng tên xuất bản năm 1819, kể về một người đàn ông cũng tỉnh dậy sau một giấc ngủ 20 năm, bỏ qua cuộc nội chiến tại Mỹ].

Nhưng đây là điều đáng nghĩa nhất: bạn vẫn trẻ hơn hai mươi tuổi so với  tất cả những người  xung quanh, đó là lý do tại sao anh vẫn có thể trong một khoảnh khắc nào đó trở về cái tuổi 24 – bây giờ anh mới 24 tuổi thôi nhé!”






Và nếu em đẩy câu chuyện lên thêm vài năm nữa, anh có thể tỉnh dậy và còn trẻ hơn thằng con lớn của anh. "

"Đây là cách mà anh nói về cuộc đời mà anh đã sống ưh?", tôi hỏi.

"Một phần của nó - chỉ là một phần của nó thôi – đó là một giấc ngủ mê, nhưng anh thích gọi đó là cuộc sống song hành. Nghe có vẻ hay hơn.
Vấn đề là hầu hết chúng ta đã sống ___, đó là sống nhiều hơn hai cuộc đời song hành. "


Có lẽ là do rượu, mà có lẽ cũng là sự thật, hoặc có lẽ tôi không muốn mọi thứ biến thành trừu tượng quá, nhưng tôi cảm thấy mình cần nói lên điều này,  bởi vì đây là thời khắc để nói ra, bởi vì nó bất ngờ nhắc tôi rằng “NÓ CHÍNH LÀ LÝ DO VÌ SAO TÔI LẠI ĐẾN THĂM ANH”.  Tôi bèn nói với anh,

"Anh là người duy nhất em muốn nói lời tạm biệt khi em chết, bởi chỉ khi làm được điều đó thì em mới gọi cuộc đời này là có ý nghĩa. 

Và nếu em nghe tin rằng anh đã chết, thì cuộc sống của em như em đã biết – chính cái Elio đang nói chuyện với anh đây, cũng sẽ không còn tồn tại.

Đôi khi em mường tượng ra cảnh tượng khủng khiếp này: khi thức dậy trong ngôi nhà của chúng ta ở Thị trấn B. và, nhìn ra biển, nghe những con sóng vỗ về báo tin tức rằng “Anh ấy đã chết đêm qua”.






Chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều thứ rồi. Uh thì nó là một giấc ngủ mê đi. Ngày mai em trở lại giấc ngủ mê của em, còn anh trở lại cái của anh.

Mà thứ lỗi, em không có ý xúc phạm – nhưng em chắc cuộc đời của anh không nằm trong giấc ngủ mê nào cả. "

"Không, một cuộc sống song hành em ạh."

Có lẽ mọi nỗi buồn tôi từng biết trên cuộc đời này đột nhiên cùng nhau quy tụ vào vào thời khắc này. Tôi đã phải chiến đấu để đẩy chúng đi. Và nếu anh không nhìn thấy điều đó, đó có thể là vì bản thân anh cũng không miễn nhiễm được, anh cũng đang đấu tranh.

Tôi hỏi anh từng đọc cuốn tiểu thuyết của Thomas Hardy có tên là là “Người yêu dấu (The Well-Beloved)” hay không. Không, anh chưa đọc. 

Nó kể về một người đàn ông yêu một phụ nữ, nhiều năm sau khi anh ấy bỏ đi, cô ấy qua đời. Anh đến thăm nhà cô và  gặp được người con gái của cô ấy, anh ấy đem lòng yêu, và sau khi lại để mất cô ấy, nhiều năm anh lại gặp cháu gái của người phụ nữ kia, rồi anh ấy lại yêu. 






“Liệu những điều này sẽ tự chết đi vĩnh viễn, hay chúng cần những thế hệ kế tiếp hay sự sống nối dài để có thể được tái sinh?”, tôi hỏi.

"Anh sẽ không muốn thấy một trong mấy đứa con trai anh sẽ lên cái giường của em đâu, anh thích cái giường của em hơn bất cứ điều gì. Nếu em muốn có một trong tụi nó, em trèo lên giường nó ấy”.

Chúng tôi bật cười khúc khích.
"Em cũng tự hỏi về mấy ông bố của hai chúng ta."

Anh nghĩ  ngợi trong một lúc, rồi mỉm cười.

*******
MỤC LỤC "CALL ME BY YOUR NAME"
(Gọi anh bằng tên em)



Tiểu thuyết Gọi anh bằng tên em – Chương 4 - 17 [Call me by your name]

Cuộc sống của bầy đom đóm kia cứ giống như một tiếng vang bị xé ngang rồi cứ bị âm ỉ, chôn vùi trong căn hầm khóa kín của tín ngưỡng Mithraic [đây là căn hầm thực hiện nghi lễ hiến tế].

Sự im lặng.




"Chúa ơi, nhớ lại cái cách mà họ ghen tị với hai chúng ta nhìn từ cái bàn ăn đó trong bữa tối đầu tiên ở Roma," anh nói.
"Họ chăm chăm nhìn chúng ta - người trẻ, người già, đàn bà, đàn ông  - ai trên cái bàn ăn đó cũng cứ dán mắt vào chúng ta, bởi vì lúc đó hai ta trông hạnh phúc quá.”

"Và rồi đợi đến cái buổi chiều kia khi chúng ta đã già đi, chúng ta sẽ lại nói về hai người thanh niên trẻ năm ấy như là hai người xa lạ mà chúng ta gặp được trên tàu, rồi họ làm chúng ta ngưỡng mộ, và chúng ta muốn nâng đỡ họ. Và chúng ta sẽ gọi điều ấy là sự ghen tị, bởi nếu gọi nó là sự tiếc nuối thì nó sẽ làm tim chúng ta tan nát mất” 

Lại một sự im lặng.

"Có lẽ em chưa sẵn sàng để nói về họ như những người lạ," tôi nói.
"Nếu nó làm cho em cảm thấy ổn hơn,  thế thì hai chúng ta sẽ không ai nói thế nữa”






"Em nghĩ chúng ta nên nói chuyện khác đi."
Anh tán đồng, trước khi nói lên mấy lí lẽ yếu ớt về việc anh sẽ phải về nhà.

Chúng tôi nói với nhau về những điều sơ bộ trên đường đời mỗi người. Về cuộc sống của anh, về vợ anh, những gì tôi đã làm, những gì anh đã làm, điều gì tốt, điều gì xấu. Anh đang hy vọng  về đâu, tôi đang hy vọng sẽ về đâu?  Nhưng hai chúng tôi đã tránh chủ đề về bố mẹ tôi. Tôi cho rằng anh biết mọi chuyện. Tôi cũng không hỏi anh là anh có biết không. 
Một giờ đã trôi qua.

"Khoảnh khắc đẹp nhất của em là gì?" Cuối cùng anh đã ngắt đi mạch chuyện đó.
Tôi nghĩ ngợi một lúc.

"Buổi tối đầu tiên là buổi tối em nhớ nhất - có lẽ vì em còn bỡ ngỡ quá nhiều. Nhưng  Rome cũng đáng nhớ.  Có một chỗ trên đường qua Nhà thờ Santa Maria dell'Anima mà em luôn trở lại thăm mỗi lần em có dịp đến Roma.

Em sẽ nhìn chằm chằm vào chỗ ấy trong một giây, và đột nhiên mọi kỉ niệm sẽ ùa về.  Em vừa bị nôn trong đêm đó và trên đường trở về quầy bar thì anh hôn.  Người ta lúc đó đi qua đi lại mà em chả bận tâm và anh cũng không. Nụ hôn ấy vẫn còn in dấu ở đó, cảm ơn vì mọi điều tốt lành.  Đó là tất cả những  gì của anh mà em còn giữ được. Nụ hôn đó và cái áo của anh. "

Anh hồi tưởng lại. 






"Còn anh thì sao," tôi hỏi, "khoảnh khắc nào?"
"Cũng ở Roma đấy. Ca hát cùng nhau cho đến tận bình minh trên quảng trường Piazza Navona. "

Tôi đã hoàn toàn quên mất chuyện đó. Hóa ra đó không chỉ là một bài hát của người Neapolitan mà chúng tôi đã hát vào đêm đó, như tôi vẫn nhớ. Một nhóm bạn trẻ Hà Lan đã lấy guitar ra và hát hết bài này đến bài kia của ban nhạc Beatles, và tất cả mọi người quanh đài phun nước chính đã cùng hòa vào, và hai chúng tôi cũng vậy.

Ngay cả nếu Dante  có tái thế, chắc ông cũng đã hòa vào mà ca hát cùng, bằng cái giọng tiếng Anh không chuẩn của mình. [Dante là đại thi hào của Ý trong thế kỷ 13-14, nổi tiếng nhất với tác phẩm Thần khúc Dante]

"Họ diễn cho chúng ta xem  … hay là em lại nhảy vô trùm show luôn?"
Anh nhìn tôi, đầy bối rối.

"Họ diễn cho EM xem – và lúc đó em say bí tỉ rồi. Cuối cùng em đã mượn cây đàn guitar của một người trong số họ rồi bắt đầu chơi, và sau đó, ngẫu hứng lên, hát luôn.
Bùm một phát, tất cả đều bị thôi miên. Thế là tất cả mọi kẻ nghiện nhạc trên thế giới này đều đổ xô tới nghe như bầy cừu nghe giao hưởng của Handel vậy [Handel là một nhà soạn nhạc của Anh thế kỷ 18]. Một trong mấy cô gái Hà Lan bị lạc. Em muốn đưa cô ấy đến khách sạn. Mà cô ấy thì cũng muốn đi với em.
Ôi thật là một đêm để nhớ.
Kết thúc là chúng ta ngồi trên cái sân thượng trống rỗng của một quán cà phê khép kín, nằm phía sau quảng trường, chỉ có em, anh và cô gái đó, cùng ngắm bình minh, mỗi người ngồi trên một cái ghế ".






Anh ấy nhìn tôi. "Anh rất vui vì em đã đến."
"Em cũng rất vui khi đến đây."

"Anh có thể hỏi em một câu được không ?"
Tại sao điều này đột nhiên khiến tôi thấy lo lắng nhỉ? "Anh cứ nói đi."
"Nếu em có thể, em sẽ bắt đầu lại không?"
Tôi nhìn anh ấy. "Sao anh lại hỏi như vậy?"
"Bởi vì. Chỉ cần em trả lời thôi. "
"Liệu em có bắt đầu lại nếu em có thể áh?  Chờ một giây anh nhé!  Mà em đã uống hai ly rượu rồi, để em đi gọi ly thứ ba bây giờ. "

Anh ấy mỉm cười. Rõ ràng là đến lượt tôi quay ra hỏi lại anh cũng câu đấy, nhưng tôi không muốn làm anh bối rối. Đây là kiểu Oliver  tôi yêu nhất:  đó chính là người luôn suy nghĩ đồng điệu với tôi.

*******
MỤC LỤC "CALL ME BY YOUR NAME"
(Gọi anh bằng tên em)



Tiểu thuyết Gọi anh bằng tên em – Chương 4 - 16 [Call me by your name]

"Anh muốn cho em xem một thứ," anh nói. Văn phòng của anh có một ghế sofa lớn bằng da. Sofa Oliver đây, tôi nghĩ.

Thế nên chắc đây là nơi anh thường ngồi và đọc sách. Giấy tờ để rải rác trên ghế sofa và trên sàn, ngoại trừ cái ghế nằm ở góc phòng, bên trên là một đèn thạch cao. Đèn Oliver đây. Tôi lại nhớ cảnh giấy tờ của anh nằm ngổn ngang trên sàn trong căn phòng mình ở thị trấn B.




"Em nhận ra nó không?" Anh hỏi. 

Trên tường là một chế bản màu được đóng khung của một bức tranh ố màu về một nhân vật có râu trong thần thoại Mithraic [đây là một tín ngưỡng thờ thần Mặt trời Mithras phổ biến tại Đế chế Roma từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 4] . Hai chúng tôi mỗi người đã mua một bức tranh ấy vào buổi sáng trong chuyến thăm San Clemente.  Trong nhiều năm tôi đã không còn thấy bức tranh mình đã mua.

Trên tường, bên cạnh nó là một bưu thiếp được đóng khung in hình bức tranh triền đồi của danh họa Monet.  Tôi nhận ra nó ngay lập tức.

"Nó từng là của em, nhưng anh đã giữ nó còn lâu hơn em từng giữ."






Chúng tôi thuộc về nhau, nhưng đã sống xa cách đến mức bây giờ chúng tôi thuộc về những người khác. Những người đang chiếm giữ cuộc đời của chúng tôi chính là những người chúng tôi đã không mong muốn.

"Nó có một câu chuyện dài phía sau" tôi nói.
"Anh biết. Khi anh đóng khung lại cho nó, anh đã nhìn thấy mấy dòng đề tặng ở mặt sau, đó là lý do tại sao bây giờ em cũng có thể đọc được chữ trên mặt sau đấy.  Anh cũng thường nghĩ về anh chàng Maynard này.  Một ngày nào đó nhớ đến anh nhé!” [đây là câu Maynard đã viết đề tặng cho Elio]

"Người tiền nhiệm của anh đấy!" tôi nói để trêu Oliver. "Không, em không có ý gì đâu. Rồi một ngày nào đó anh sẽ đưa nó cho ai? "

"Anh hy vọng một ngày nào đó sẽ để lại bức  bưu thiếp này cho một trong mấy đứa con trai của anh khi nó ra ở riêng. Anh đã viết thêm mấy dòng chữ lên đó - nhưng em không thể nhìn thấy mấy chữ đó đâu. 

Em có qua đêm ở thành phố không? "Anh hỏi để thay đổi chủ đề trong lúc khoác vào cái áo mưa.

"Có ạh. Một đêm thôi.”
“Sáng ngày mai anh sẽ đi gặp một số người ở trường đại học, sau đó anh rảnh. "
Anh nhìn chăm chăm vào tôi. Tôi biết anh đang nghĩ đến cái đêm đó trong kì nghỉ Giáng Sinh năm xưa, và anh ấy cũng biết tôi biết điều đó.






"Vậy là tha thứ cho anh rồi hả?" Anh mím chặt môi trong một lời xin lỗi câm nín.

"Đến khách sạn em uống rượu nhé!"
Tôi cảm nhận được sự không thoải mái trong anh.
"Em nói là đi uống rượu chứ không phải là đi F****." [Nguyên văn], tôi nói thêm.
Anh nhìn tôi và thực sự anh đang đỏ mặt. 

Tôi nhìn chằm chằm vào anh. Anh ấy vẫn đẹp trai đáng kinh ngạc, không bị hói tóc, không béo lên, vẫn cứ chạy bộ mỗi sáng, như anh ấy nói, và da dẻ vẫn mịn màng như trước. 

Chỉ có mấy vết cháy nắng trên tay. Vết rám nắng ưh, tôi nghĩ, và tôi không thể nghĩ ra. 
"Cái gì thế này?" Tôi hỏi, chỉ vào tay anh và sau đó chạm vào nó.
"Anh bị lâu rồi." Ôi những vết rám nắng. Chúng làm trái tim tôi đau, và tôi muốn hôn lên chúng và thổi cho chúng bay đi.
"Mấy ngày trồng rau trong vườn trời nắng lắm. Mà không đáng phải ngạc nhiên như vậy đâu. Anh sẽ vẫn làm vườn mà. Ba năm nữa, đứa con trai lớn của anh sẽ bằng tuổi em -  mà đúng hơn là bằng tuổi em cái thời chúng ta bên nhau chứ không phải Elio của ngày hôm nay. Quả thật là điều kỳ diệu! "

Đó là cách anh ấy gọi chuyện đó ưh,  “cái thời chúng ta ở bên nhau”? Tôi thầm nghĩ.

Trong quán bar của một khách sạn cũ ở New England, chúng tôi tìm thấy một điểm yên tĩnh nhìn ra sông và một khu vườn hoa lớn đang nở rộ vào tháng đó. Chúng tôi gọi hai ly cocktail martinis – loại rượu Sapphire – anh ấy gọi cụ thể, ngồi sát nhau trong  một  gian hình móng ngựa.

Chúng tôi trông giống như hai gã chồng bị buộc phải ngồi cạnh nhau một cách không yên người trong khi hai cô  vợ đang mải mê trang điểm.

"Trong tám năm nữa, anh sẽ bốn mươi bảy tuổi còn em thì bốn mươi. Năm năm sau đó nữa, anh sẽ năm mươi hai còn em bốn mươi lăm. Lúc đó em sẽ chịu đến ăn tối chứ? "
"Vâng. Em hứa."






"Nếu xét những  gì em thực sự muốn nói là em sẽ chỉ đến thăm nhà tôi khi nào em đã già đi, đủ để không còn quan tâm đến những chuyện đó. Khi đó con cái anh chắc đã ra ở riêng. Hoặc khi đó, anh đã  trở thành một người ông. Anh đang hình dung ra cái đêm đó – hai chúng ta sẽ ngồi lại với nhau và uống một loại rượu eau-de-vie mạnh nào đó, giống như bố em vẫn thỉnh thoảng tiếp rượu ông của em vào buổi tối ".

"Và giống như những cụ già ngồi quanh quảng trường Piazzetta đối diện với nhà tưởng niệm Piave, hai chúng ta sẽ kể một câu chuyện về hai gã thanh niên trẻ tuổi đã tìm thấy niềm hạnh phúc  bên nhau trong vài tuần và rồi họ sống phần đời còn lại bằng cách nhúng những chiếc tăm bông vào một cái ly chứa đựng hạnh phúc, họ sợ cái ly ấy sẽ hết, nên họ không dám uống nhiều  - chỉ là những ngụm nhỏ vào những ngày kỉ niệm. "

Nhưng cái điều mà hầu đã không còn tồn tại nữa, vẫn còn như đưa tay vẫy gọi, tôi muốn nói với anh. 

Người ta không bao giờ có thể làm ngược lại nó, viết ngược lại nó, không bao giờ có thể sống ngược lại nó nhưng cũng không thể  làm sống lại nó. Đơn giản, nó bị mắc kẹt ở nơi ấy như  cảnh tượng của những con đom đóm trên một cánh đồng hè vào đêm tối, cứ lập lòe và tự nhủ rằng “Lẽ ra bạn đã có được điều này”.

Nhưng, quay ngược lại là sai lầm. Tiến lên cũng là sai. Rẽ lối khác cũng sai. Mà cứ cố gắng khắc phục tất cả những  cái sai đó cũng chỉ là một cái sai khác.

*******
MỤC LỤC "CALL ME BY YOUR NAME"
(Gọi anh bằng tên em)



SPONSORS