8.4.20

Tiểu thuyết "Tìm em" (Find me) | André Aciman | Cadenza 005

Anh ấy gọi người phục vụ và đặt món. Rồi sau khi nhấm nháp ly rượu whisky của mình, anh nói rằng bố anh, người đã giới thiệu anh đến nhà hàng này, cũng có thói quen gọi món tương tự mọi lúc. Ông ấy bị bệnh tiểu đường, anh giải thích, nên anh đã học cách tránh những gì người bị tiểu đường không nên ăn. Không đường, không gạo, không mì ống, không bánh mì, và hiếm khi có bơ.

 

Trong khi đang nói, anh phết bơ và sau đó rắc muối  vào phần cuối của miếng bánh mì Poilâne[1], cười khúc khích khi anh đưa nó lên miệng. “Tôi không phải lúc nào cũng đi theo bước của bố tôi, nhưng rất khó tránh khỏi cái bóng của ông ấy. Tôi đầy mâu thuẫn”.

 

Có một khoảng lặng. Anh ấy tiếp tục câu chuyện về bố của mình, nhưng tôi muốn nghe nhiều hơn về những mâu thuẫn của anh ấy, điều khiến tôi quan tâm và điều đó có thể cho tôi biết nhiều hơn về người đàn ông này và cách anh ấy nhìn nhận bản thân mình. Anh dường như dao động giữa việc cởi mở về bản thân hoặc tiếp tục chủ đề về thực phẩm và ăn kiêng. Thậm chí có một khoảnh khắc căng thẳng nhẹ, như thể cả hai chúng tôi đều cảm thấy chúng tôi chỉ mới bắt đầu trò chuyện và có thể dễ dàng bị mắc kẹt trong những câu chuyện phiếm.

 

Để tháo gỡ sự lúng túng, tôi kể cho anh ấy nghe về hai người ông cậu của tôi, những người tôi chưa bao giờ được gặp nhưng nổi tiếng là những thợ làm bánh có am hiểu và đã mở ba tiệm bánh ở Milan chỉ để cho những nhà xã hội lúc đó tụ tập,  trong bối cảnh thời chiến. Họ đã chết ở Birkenau[2]. Mẹ tôi thường xuyên nói về những người chú này của bà, khi tôi lớn lên. “Họ cũng vậy, cũng như trong trường hợp bố của anh, họ là những cái bóng ảnh hưởng lên gia đình của mẹ tôi”.

 

“Là cái bóng theo cách gì?”, anh hỏi, không hoàn toàn hiểu ý tôi.

 

“Mẹ tôi làm bánh tuyệt ngon.”

 

Anh cười thật tươi. Tôi rất vui vì anh ấy đã thấm được câu nói đùa. “Nhưng tôi biết, có những cái bóng không bao giờ biến mất”, tôi nói thêm vào.

 

"Cậu nói đúng đấy. Cái bóng của bố tôi không bao giờ rời bỏ tôi. Ông ấy qua đời hai năm sau khi tôi kế tục văn phòng luật sư của ông ấy. Lúc đó tôi bằng tuổi của cậu bây giờ”.

 

Nhưng rồi anh dừng lại một lần nữa và suy nghĩ một lúc, như thể anh đã nắm được một mối liên kết không lường trước giữa những gì anh vừa nói với những gì chắc hẳn đã chực sẵn trong tâm trí anh, điều mà tôi không biết được.

 

“Và cậu biết rằng tôi đã gần gấp đôi tuổi của cậu đấy”.

 

Đấy là khi tôi đỏ mặt. Đó là một khoảnh khắc căng thẳng và khó xử, một phần vì anh ấy chạm vào một chủ đề mà tôi cảm thấy hoàn toàn quá sớm để nói và quá gần với những gì chúng tôi đang thận trọng lảng tránh; một chủ đề vượt qua những ranh giới còn chưa được thiết lập, mà lẽ ra nên im lặng về nó, ít nhất là trong một thời gian nữa.

 

Nhưng câu nói của anh ấy cũng khiến tôi cảm thấy hụt hẫng vì không biết phải nói gì; và trong khi tôi lục lọi trong đầu những từ ngữ thích hợp, thì sự  đỏ mặt của tôi chắc hẳn đã báo hiệu sự lúng túng bên trong. Có lẽ đó là cách anh ấy lôi  cái chủ đề đó ra và khiến tôi phải nói điều gì đó để xoa dịu nỗi lo lắng của chính anh ấy. Tôi đấu tranh để xua đuổi sự im lặng của cả hai nhưng không thể.

 

“Nhìn bên ngoài thì không nhận ra tuổi của anh đâu”, tôi nói, với một cố gắng lảng tránh cái chủ đề đó.

 

“Đó không phải là những gì tôi muốn nói”, đó là câu trả lời nhanh chóng của anh ấy.

 

"Tôi hiểu anh nói gì mà."

 

Và để chứng tỏ không có sự hiểu lầm giữa chúng tôi, tôi nói thêm: “Tôi sẽ không ngồi đây với anh, phải không?”. Có phải tôi lại đỏ mặt? Tôi hy vọng không. Sự im lặng đột nhiên lơ lửng giữa chúng tôi không làm anh khó chịu, và anh lại gật đầu, cũng cái gật đầu đăm chiêu và suy tư đó, sau đó là một cái lắc đầu rất nhẹ, không phải là sự phủ nhận mà là một thứ gì đó nằm giữa sự hoài nghi với sự hoang mang không nói nên lời đại ý là “cuộc sống đôi khi thật là trớ trêu”.



[1] Poilâne: Một thương hiệu bánh mì nổi tiếng của Pháp

[2] Birkenau: Một trại tập trung của Đức Quốc xã đặt tại Ba Lan trong Chiến tranh Thế giới II


*********

MỤC LỤC "FIND ME" >>>

(Call me by your name Phần 2) 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SPONSORS