Hiển thị các bài đăng có nhãn Gọi anh bằng tên em Tập 2 (Call me by your name 2). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Gọi anh bằng tên em Tập 2 (Call me by your name 2). Hiển thị tất cả bài đăng

12.3.20

Tiểu thuyết "Tìm em" (Find me) | André Aciman | Tempo 07

“Hãy kể với tôi về bố của cô đi”, tôi đã nói.

“Bố tôi ưh? Ông ấy không được khỏe cho lắm, chúng tôi sắp phải xa ông ấy rồi.” Rồi cô ngắt lời: “Ông vẫn tính phí tư vấn theo giờ đó chứ?”




“Như tôi đã nói, chuyện tâm sự trở nên dễ dàng hơn giữa những người xa lạ mà sẽ không bao giờ gặp lại.”

"Ông nghĩ vậy sao?"

“Gì cơ, tâm sự trên một chuyến tàu hả?”, tôi hỏi lại.

“Không, chuyện chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại?”

“Thế có cơ hội gặp lại sao?”

"Có đó, rất có thể."

Chúng tôi trao nhau nụ cười.

“Thế thì, hãy tiếp tục nói về bố cô đi.”




“Tôi đã nghĩ về điều này. Tình yêu của tôi dành cho ông ấy đã thay đổi. Nó không còn là một sự yêu thương tự phát, mà là một sự yêu thương được ấp ủ, được cẩn trọng – tình yêu của một người săn sóc. Thực sự là không có gì to tát lắm.

Tuy nhiên, chúng tôi rất cởi mở với nhau, và tôi không xấu hổ khi nói với ông ấy bất cứ chuyện gì. Mẹ tôi đã mất cách đây gần hai thập kỷ, và kể từ đó, chỉ còn tôi và bố. Ông ấy cũng có bạn gái một thời gian, nhưng giờ ông ấy sống một mình. Có ai đó đến để chăm sóc ông ấy, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp và sắp xếp mọi thứ. Hôm nay là sinh nhật thứ bảy mươi sáu của ông. “

“Do đó, chiếc bánh”, cô nói, chỉ vào cái hộp vuông màu trắng nằm trên cùng trên chiếc gá hành lý. Cô ấy có vẻ xấu hổ vì điều đó, đó có thể là lý do tại sao cô ấy khẽ cười khúc khích khi chỉ tay vào chiếc hộp. 

“Ông ấy có nói là đã mời hai người bạn đến ăn trưa, nhưng ông ấy vẫn chưa nghe thấy gì từ phía họ, và tôi đoán là họ chắc sẽ không đến, những ngày này thì chả ai làm điều đó cả. Anh chị em họ tôi cũng không. Ông ấy thích những chiếc bánh từ một cửa hàng cũ không xa nơi tôi sống ở Florence. Nó nhắc ông nhớ về những ngày tươi đẹp hơn khi ông từng dạy học ở đó. Tất nhiên, thực ra ông ấy chả có kỷ niệm nào ngọt ngào, nhưng …”

Cô ấy không cần phải hoàn thành câu nói.

Sự im lặng giữa chúng tôi kéo dài một lúc. Một lần nữa tôi làm một động tác để lấy cuốn sách của mình, tin chắc rằng lần này chúng tôi đã nói xong câu chuyện. Một lát sau, khi cuốn sách của tôi vẫn còn  mở, tôi bắt đầu nhìn ra khung cảnh của vùng Tuscan đang lướt qua và tâm trí tôi bắt đầu trôi dạt. Một ý nghĩ mơ hồ và hoang mang về cách cô ấy đã thay đổi chỗ ngồi và giờ đang ngồi cạnh tôi bắt đầu định hình trong tâm trí. Tôi biết mình vừa ngủ gật.

“Ông không đọc sách,” cô ấy nói, sau đó, nhận thấy mình có thể làm phiền tôi, nên cô ấy liền nói thêm, “Tôi cũng không thể đọc.”

“Mệt mỏi vì đọc sách,” tôi nói, “Chẳng thể tập trung.”

“Cuốn sách có thú vị không?” cuối cùng cô ấy hỏi, nhìn vào bìa cuốn sách của tôi. 

"Không tệ. Đọc lại Dostoyevsky (1) sau nhiều năm có thể là một chút thất vọng.”

"Sao vậy?"

“Cô có đọc Dostoyevsky không?”

"Có. Tôi hâm mộ ông ấy khi tôi mười lăm tuổi.”




“Tôi cũng vậy. Tầm nhìn về cuộc sống của ông ấy là một thứ mà một thanh niên mới lớn có thể nắm bắt ngay lập tức: sự dằn vặt, những mâu thuẫn nội tại, và rất nhiều những thứ như mật ngọt, nọc độc, sự hổ thẹn, tình yêu thương, thương hại, đau khổ và cay cú, và những nghĩa cử của lòng bao dung và đức hy sinh -  tất cả những thứ đó xô đẩy, đạp phá nhau. Đối với tôi hồi là thanh niên, thì Dostoyevsky là như là cánh cửa bước vào thế giới tâm lý học phức tạp. Tôi đã nghĩ rằng mình là một người hoàn toàn lung lạc, nhưng tất cả các nhân vật của ông ấy đều lung lạc không kém. 

Tôi cảm thấy như ta học được về sự trang điểm lem luốt trong tâm lý con người từ Dostoyevsky nhiều hơn là từ Freud (2), hoặc bất kỳ bác sĩ tâm thần nào chuyên về vấn đề đó.”

Cô ấy im lặng.

____________


(1) Fyodor Dostoyevsky:  là đại văn hào Nga thế kỷ 18 với những tác phẩm tâm lý nổi tiếng như Chàng ngốc, Nhật ký viết dưới hầm, Những đêm trắng, Tội ác và Trừng phạt ...
(2) Sigmund Freud: nguyên là một bác sĩ tâm lý và nhà thần kinh học người Áo thế kỷ 19, ông được xem là người đặt nền móng cho học thuyết phân tâm học.

*******
MỤC LỤC "FIND ME"
(Call me by your name Phần 2)



11.3.20

Tiểu thuyết "Tìm em" (Find me) | André Aciman | Tempo 06

“Đi ghen tuông trong khi cô chả có chút tình yêu nào với người ta – cô thật là khó tính”, cuối cùng tôi cũng nói.

Cô ấy tặng ngay cho tôi một cái nhìn xéo vì đã dám phát ngôn theo cách đó và còn biểu lộ sự tò mò hoang mang muốn biết thêm. 

“Tôi mới biết ông chưa đầy một giờ trên tàu. Nhưng ông hoàn toàn hiểu tôi. Tôi thích điều đó. Nhưng tôi cũng có thể kể với ông về một khuyết điểm khác rất khủng khiếp.”

"Thế giờ còn gì nữa đấy?"

Cả hai chúng tôi đều cười.




“Tôi không bao giờ gần gũi với bất cứ ai mà tôi có quan hệ tình cảm. Hầu hết mọi người đều không thích triệt tiêu những cầu nối. Tôi thì dường như cho nổ tung hết các cầu nối, vì tôi thấy nó chả có nghĩa gì với tôi. Đôi khi tôi vứt bỏ hết mọi đồ đạc trong căn hộ của họ và đơn giản là biến mất. 

Tôi ghét cái công đoạn thu dọn hành lý rồi chuyển ra ngoài và những hậu quả không thể tránh khỏi của chuyện đó là tình huống của những lời cầu xin đầy nước mắt để tiếp tục ở lại với nhau. Trên hết, tôi ghét phải giả vờ dai dẳng là tồn tại sự gắn bó với một ai đó, trong khi tôi không muốn họ chạm vào người mình nữa, và thậm chí không muốn nhớ là mình từng ngủ cùng họ.





Ông đúng đấy: Tôi không biết tại sao tôi lại bắt đầu quan hệ với một ai đó. Sự khó chịu tuyệt đối của một mối quan hệ mới. Cộng với những thói quen nhỏ trong sinh hoạt của người ta mà tôi cần phải chịu đựng và bỏ qua. Cái mùa đàn ông của anh ta. Cái cách anh ta thích xếp chồng mấy đĩa CD lên nhau. Cái âm thanh của bộ tản nhiệt cổ đại vào giữa đêm làm tôi thức giấc, trong khi anh ta vẫn ngủ ngon. Anh ta muốn đóng cửa sổ. Tôi thì thích mở toang chúng ra. 

Tôi sẽ vứt quần áo của tôi bất cứ nơi nào trong căn nhà, anh ta thì muốn khăn tắm của chúng tôi phải được gấp lại và cất đi. Anh ta thích ống kem đánh răng được vắt gọn gàng từ dưới lên, tôi thì thích bóp đâu tôi muốn, và tôi luôn bỏ cái nắp ống kem vất vưởng, và anh ta sẽ mò tìm ra nó ở đâu đó trên sàn phía sau cái bồn cầu. Cái điều khiển từ xa cần đặt đúng vị trí của nó, sữa cần được đặt gần nhưng không quá gần với tủ đông, đồ lót và vớ nên để ở ngăn kéo này chứ không phải ngăn kéo kia.

Tuy nhiên, tôi vẫn đâu có khó tính. Tôi thực sự là một người tử tế mà, chỉ là tôi cần một chút cá tính. Nhưng nó chỉ có bề nổi. Tôi chịu đựng với tất cả mọi người và tất cả mọi thứ. Ít nhất là trong một khoảng thời gian. Rồi một ngày, nó cứ ập đến với tôi: Tôi không muốn ở bên anh chàng này, không muốn anh ta ở gần tôi, cần phải tránh xa. Tôi chiến đấu với cảm giác này. Nhưng ngay khi anh ta cảm nhận được điều này, anh ta sẽ níu kéo tôi bằng đôi mắt cún con đáng yêu trong tuyệt vọng. Khi tôi nhận ra ánh mắt đó, ộp, tôi biến nhanh và ngay lập tức tìm anh chàng khác.

“Bọn đàn ông mà!” Cuối cùng cô ấy cũng nói, như thể một từ tóm tắt tất cả những thiếu sót của cánh đàn ông mà hầu hết phụ nữ sẵn sàng bỏ qua và học cách tha thứ cho những người mà phụ nữ họ hy vọng sẽ yêu suốt đời ngay cả khi họ biết họ sẽ không như thế . Tôi ghét phải nhìn thấy ai bị tổn thương.

Một sự u ám phủ xuống vẻ ngoài của cô ấy. Tôi ước tôi có thể chạm vào khôn mặt cô ấy, nhẹ nhàng. Cô ấy liếc mắt nhìn, tôi hạ mắt xuống.





Một lần nữa, tôi quan sát đôi giày của cô ấy. Một đôi bốt hoang dã, chưa được trau chuốt, như thể nó đã bị kéo lê trên những con đường lởm chởm đá và nó đã đạt được cái vẻ ngoài sương gió, cũ kỹ, điều đó có nghĩa là cô ấy tin tưởng vào đôi bốt này. Cô ấy thích những thứ đã sờn cũ và hỏng hóc. Cô ấy thích sự thoải mái.

Đôi tất len dày màu xanh hải quân của cô rõ ràng là đôi tất nam, có lẽ được cô ấy nhặt từ ngăn kéo của người đàn ông mà cô khẳng định là mình không có tình yêu. Nhưng chiếc áo khoác da biker giữa mùa trông rất đắt tiền. Hiệu Prada, rất có thể. 

Có phải là cô ấy đã vội vàng rời khỏi nhà bạn trai của mình, và trong lúc vội vã, nhặt nhạnh tất cả những gì có thể để khoác lên người rồi lao ra ngoài cửa với câu nói vọng lại kiểu như “Em phải đi gặp bố đây. Sẽ gọi lại cho anh tối nay nhé?”.

Cô ấy đang đeo một chiếc đồng hồ nam. Nó cũng của bạn trai cô ấy sao? Hay cô ấy chỉ thích đồng hồ nam? Tất cả mọi thứ về cô ấy toát lên một cái gì đó nghiệt ngã, gồ ghề, thô ráp. Và rồi tôi bắt gặp một cái làn da lộ giữa đôi tất và cái gờ quần jean. Cô ấy có mắt cá chân mịn màng nhất mà tôi từng thấy. 

*******
MỤC LỤC "FIND ME"
(Call me by your name Phần 2)




10.3.20

Tiểu thuyết "Tìm em" (Find me) | André Aciman | Tempo 05

“Ông không thấy phiền lòng sao khi cô ấy có ý lừa dối bạn trai của mình?”, cô gái trên tàu hỏi tôi.

"Không. Nó cũng không làm tôi bận tâm rằng tôi cũng đang làm điều lừa dối tương tự. Bữa trưa kéo dài rất lâu. Tôi tiễn cô ấy về nhà trên đường Via Margutta, sau đó cô ấy lại tiễn tôi trở lại nơi chúng tôi ăn trưa, và sau đó tôi lại đưa cô ấy trở về nhà.”




“Ngày mai?” tôi gặng hỏi, vẫn không chắc là tôi có đẩy mọi thứ đi quá nhanh không. “Chắc chắn rồi, ngày mai”, cô ấy trả lời. Đó là tuần trước Giáng sinh. Đến chiều Thứ ba, chúng tôi đã làm một điều hoàn toàn điên rồ: chúng tôi đã mua hai vé máy bay và bay tới London.

"Lãng mạn quá!", cô gái trên tàu thốt lên.

“Tất cả mọi thứ diễn ra quá nhanh và rất tự nhiên, đến nỗi chúng không thấy cần phải thảo luận vấn đề với bạn trai của cô ấy hay bạn gái của tôi, và không chờ họ đồng ý. Chúng tôi chỉ đơn giản là buông bỏ tất cả mọi sự ràng buộc của chúng tôi. Còn những ngày nay, chúng ta luôn trong sự ràng buộc.”





“Ý ông là không như ông ngày hôm nay hả?”

“Tôi sẽ chẳng thế nào biết.”

“Không, tôi cho rằng ông không thế biết.”

Lời chế nhạo ngầm của cô ấy cho tôi biết trong câu nói của mình tôi có ý phiền lòng về hiện tại.

Tôi cười khúc khích.

Cô ấy cũng cười theo, một cái cách cô ấy báo hiệu rằng cô ấy biết tôi đang tự lừa mình.

“Rồi dù có đẹp đẽ cỡ nào, nó cũng đã kết thúc ngay lập tức. Cô ấy quay lại với bạn trai, và tôi quay lại với bạn gái. Chúng tôi không còn là bạn bè. Nhưng tôi đã tham dự đám cưới của hai người họ, và cuối cùng tôi đã mời họ đến dự đám cưới của tôi. Hai người họ giờ vẫn bên nhau. Còn bọn tôi thì đã chia tay. Voilà.”

“Tại sao ông lại để cô ấy quay lại với bạn trai?”, cô gái trên tàu hỏi.

"Tại sao ư? Có lẽ bởi vì tôi chưa bao giờ bị thuyết phục hoàn toàn bởi cảm xúc của mình. Tôi đã không chiến đấu để giữ cô ấy lại, mà cô ấy cũng biết là tôi sẽ không làm vậy. Có lẽ tôi muốn được yêu và sợ rằng tôi sẽ không được đón nhận và tôi thích trong tình trạng hơi vô định lúc chúng tôi ở London để nghiền ngẫm những gì tôi đã chưa cảm nhận từ cô ấy. Có lẽ tôi đã thích hoài nghi hơn là thấu hiểu.” 

“Vậy ông tính phí bao nhiêu mỗi giờ đấy?”, cô gái trên tàu lại trêu.

“Câm đi!” 

Lần cuối cùng tôi đã nói như thế là với ai và khi nào nhỉ?





“Hãy kể cho tôi về người trong cuộc đời cô đi”, tôi nói. “Lúc này cô có thấy một ai đó đặc biệt chứ?”

“Có thấy ai đó, đúng vậy.”

“Được bao lâu rồi?” Rồi tôi dừng lại. "Nếu tôi có thể hỏi."

"Ông có thể hỏi mà. Chỉ mới được bốn tháng”. Cô ấy nỏi rồi nhún vai: “Cũng chả có gì đặc biệt cho lắm.”

"Cô có thích cậu ta?"

“Tôi thích anh ấy. Chúng tôi hợp nhau. Và chúng tôi thích nhiều thứ giống nhau. Nhưng chúng tôi chỉ là hai người bạn cùng phòng giả vờ có một cuộc sống cùng nhau. Chúng tôi không có gì.”

“Thật là một cách hay để miêu tả - hai người bạn cùng phòng giả vờ có một cuộc sống cùng nhau. Nghe buồn nhỉ."

“Đúng là buồn. Nhưng điều cũng buồn là, trong mấy phút vừa qua, tôi có thể đã chia sẻ với ông nhiều hơn là trong cả tuần với anh ấy.”

“Có lẽ cô không phải là người cởi mở với người khác.”

“Nhưng tôi đã trò chuyện với ông mà.”

“Vì tôi là một người lạ, và với những người lạ thì cởi mở thật dễ dàng.”

“Những người duy nhất tôi có thể nói chuyện thẳng thắn là bố tôi và Pavlova, con cún của tôi, nhưng họ chẳng bên tôi được lâu. Ngoài ra, bố tôi ghét bạn trai hiện tại của tôi.”

“Không phải là bất thường đối với một người bố.”

“Thật ra, bố tôi hâm mộ bạn trai trước của tôi hơn.”

 "Thế cô có kết cậu ta không không?"

Cô ấy mỉm cười, báo trước trước là cô ấy sẽ pha trộn  câu trả lời của mình với một chút hài hước: “Không, tôi chả kết anh ấy.”

Cô ấy đã suy nghĩ một lúc. 

“Bạn trai trước muốn cưới tôi. Tôi bảo anh ấy là không. Tôi rất nhẹ nhõm vì anh ấy đã không làm gì ầm ĩ khi chúng tôi chia tay. Rồi chỉ sáu tháng sau, tôi nghe nói anh ta sắp cưới. Nếu tôi từng biết đau khổ về chuyện yêu đương thì đó chính là vào cái ngày tôi nghe tin anh ấy kết hôn với một người phụ nữ - người mà hai chúng tôi đã dành hàng giờ và hàng tháng để lôi ra làm trò cười hồi chúng tôi còn ở bên nhau.”

Im lặng.


*******
MỤC LỤC "FIND ME"
(Call me by your name Phần 2)




Tiểu thuyết "Tìm em" (Find me) | André Aciman | Tempo 04

Cô ấy đột nhiên im lặng, trông như khựng lại và không nói ra lời. Đôi mắt cô nhìn thẳng vào tôi. Có phải tôi đã xúc phạm cô ấy một lần nữa? “Làm thế nào ông có thể biết điều đó chứ?” Cuối cùng cô cũng hỏi lại.




Đây là lần đầu tiên tôi thấy cô ấy trở nên nghiêm túc và nhìn trực diện. Tôi có thể thấy cô ấy đắm đuối một số từ ngữ được mài giũa để cắt giảm sự can thiệp quá mức của tôi vào cuộc sống riêng tư của cô ấy. Lẽ ra tôi không nên nói ra bất cứ điều gì như thế. 

“Chúng ta chỉ mới gặp nhau không quá mười lăm phút trước, nhưng ông như biết rõ tôi! Làm thế nào ông có thể biết điều này về tôi?” Sau đó, cô ấy như vặn vẹo: “Thế ông tính phí tư vấn bao nhiêu một giờ?”

"Miễn phí.”, tôi nói. “Nhưng nếu tôi biết bất cứ điều gì về chuyện này là  bởi vì tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều như thế cả. Thêm vào đó, cô rất trẻ và cô rất xinh đẹp, và tôi chắc chắn rằng cánh đàn ông luôn bị  hấp dẫn bởi cô, vì vậy, đó không phải là do cô khó gặp được ai đó.”

Có phải tôi đã một lần nữa nói ra một điều vượt quá giới hạn?





Để rút lại phần nào lời khen đã nói, tôi nói thêm ngay “Giờ thì những sức hút ma thuật của một người mới xuất hiện thường không kéo dài lâu. Chúng ta chỉ thèm muốn những người mà ta không thể với  tới. Kể tên ra thì đó những người ta đã đánh mất, hoặc những người không bao giờ biết là ta từng tồn tại, hoặc những người để lại dấu ấn của họ trong ta. Còn những người khác hầu như không có gì đọng lại.”

“Đó có phải là trường hợp của quý cô Margutta không?” Cô ấy hỏi.

Cô gái này không bỏ sót một chi tiết nào, tôi nghĩ vậy. Tôi thích cái tên cô ấy đặt cho ký ức của tôi “Quý cô Margutta”. Nó tạo hình một kỷ niệm tồn tại đã nhiều năm trước giữa hai chúng tôi trong một ánh sáng dịu dàng, hiền hòa gần như là buồn cười.

“Tôi không bao giờ thực sự biết. Chúng tôi đã ở cùng nhau một thời gian ngắn và chuyện xảy ra quá nhanh.”

"Cách đây bao lâu?"

Tôi suy nghĩ một lúc.

“Tôi ngại nói ra quá.”

“Oh, cứ nói đi!

“Ít nhất hai thập kỷ. Chà, gần ba đấy.”

“Và sao?”

“Chúng tôi gặp nhau tại một bữa tiệc khi tôi còn là giáo viên ở Rome. Cô ấy đến dự cùng ai đó, tôi cũng đi với một người, chúng tôi tình cờ trò chuyện, và không ai muốn dừng lại. Cuối cùng cô ấy và bạn trai rời khỏi bữa tiệc, và ngay sau đó, chúng tôi cũng rời đi. Chúng tôi thậm chí không xin số điện thoại của nhau. Nhưng tôi không thể đưa cô ấy ra khỏi tâm trí tôi. Vì vậy, tôi đã gọi cho người bạn đã mời tôi đến bữa tiệc và hỏi anh ta có số điện thoại của cô ấy không. Và đây là thật là trò đùa. Một ngày trước đó, cô ấy đã gọi cho anh ấy để xin số điện thoại của tôi.





“Tôi nghe nói cô đang tìm tôi”, tôi đã nói ngay khi gọi cho cô ấy. Lẽ ra tôi nên tự giới thiệu trước, nhưng tôi thực sự chẳng nghĩ ra cái thủ tục đó, tôi đã rất hồi hộp. 

Cô ấy nhận ra giọng nói của tôi ngay lập tức, hoặc có lẽ bạn của cả hai chúng tôi đã báo cô ấy từ trước về chuyện này. 

“Tôi tính gọi cho anh đấy”, cô ấy nói.

“Nhưng cô đã không gọi”, tôi trả lời. “Không, tôi chưa gọi”. Cô ấy nói điều đó để cho thấy cô ấy có can đảm hơn tôi cả tôi trong chuyện này, và điều đó đã khiến tim tôi đập loạn nhịp, bởi vì tôi đã không mong đợi điều đó và sẽ không bao giờ quên được nó. 

“Vậy, chúng ta sẽ tính chuyện này sao đây?”, cô ấy hỏi.

Chúng ta sẽ tính chuyện này sao đây? - chỉ với một câu đó, tôi biết cuộc sống của mình đã bị đẩy ra khỏi quỹ đạo quen thuộc của nó. Không một ai mà tôi từng biết đã nói ra những lời thẳng tuột, gần như hoang dã với tôi như vậy. 

"Tôi thích cô ấy."

Có gì để mà không thích cơ chứ. Cởi mở, thẳng thắn và trực diện đến mức tôi đưa ra quyết định ngay lúc đó và ngay tại đó. “Mình đi ăn trưa nhé!”, tôi nói. “Bởi vì đi ăn tối thì rất khó, phải không?”, cô ấy nói. Tôi yêu cái sự trêu ngầm và táo bạo trong những gì cô ấy nói. 

“Mình đi ăn trưa ngay hôm nay”, tôi nói. “Đúng là ngay hôm nay”, chúng tôi đã cùng cười với tốc độ mà mọi thứ đang diễn ra. Hôm đó, chỉ còn gần một giờ nữa là đến bữa trưa rồi. 


MỤC LỤC "FIND ME"
(Call me by your name Phần 2)


*****************


7.3.20

Tiểu thuyết "Tìm em" (Find me) | André Aciman | Tempo 03

Cuối buổi tản bộ, hai bố con chúng tôi sẽ luôn ăn trưa tại Armando. Thằng bé phải chịu đựng tôi hay nó hứng thú với sự có mặt của tôi, tôi cũng không thể nói, có lẽ là cả hai. Nhưng chúng tôi đã đặt thành thông lệ: những con đường Via Vittoria, Via Belsiana, Via del Babuino. 




Thỉnh thoảng chúng tôi đi lang thang đến tận khu Nghĩa trang Tin lành. Chúng giống như những dấu ấn trong cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi tự đặt tên cho những hoạt động này là “lễ vọng”, học theo cách những người sùng đạo dừng chân ở nhiều tượng thánh khác nhau trên những con phố phù điêu Madonnelle chong đèn để tỏ lòng tôn kính với Đức mẹ. Không ai trong hai tôi quên mấy điều: ăn trưa, tản bộ, lễ vọng. 

Tôi thật may mắn. Đi dạo quanh Rome với thằng bé là một sự hồi vọng của ký ức. Bạn rẽ ở lối nào bạn cũng vấp phải miền ký ức: ký ức của chính mình, ký ức của ai đấy hoặc ký ức của thành phố này. Tôi thích Rome vào lúc chạng vạng, còn thằng bé thích thành phố vào buổi chiều, và có những lúc chúng tôi sẽ uống trà chiều ở bất cứ đâu chỉ để kéo dài thời gian một chút cho đến khi màn đêm buông xuống để đi uống rượu.





“Và thế thôi hả?”

"Thế thôi. Chúng tôi sẽ tản bộ đến đường Via Margutta vì chính tôi, rồi đến đường Via Belsiana vì thằng bé – mỗi con đường dành cho tình yêu cũ của từng người.”

“Hồi vọng của sự vọng về quá khứ hả?” cô gái trẻ trên tàu lại buông câu nói đùa. “Cậu ấy đã kết hôn chưa?”

"Chưa."

“Cậu ấy có ai không?”

"Tôi không biết. Tôi nghi là nó phải có ai đó. Nhưng tôi thực sự lo lắng về nó. Đã khá lâu rồi có lần tôi hỏi nó có quen ai chưa, nhưng tất cả những gì nó trả lời là cái lắc đầu và nói “Bố ơi đừng có hỏi con”.

Điều đó có nghĩa là nó không có ai hoặc ai với nó cũng được, và tôi không thể nói là vế nào thì tệ hơn. Thằng bé đã từng rất cởi mở với tôi.

“Tôi nghĩ rằng cậu ấy đã thành thật với ông.”

“Có thể, theo một cách nào đó.”

“Tôi thích cậu ấy”, cô gái trẻ ngồi đối diện với tôi lại nói. “Có lẽ vì tôi rất giống cậu ấy. Đôi khi, tôi bị trách vì quá cởi mở, quá thẳng thắn và sau đó thì là vì quá cẩn trọng và dè dặt.”

“Tôi không nghĩ là thằng bé dè dặt với người khác. Nhưng tôi không nghĩ là nó hạnh phúc cho lắm.”

"Tôi biết cậu ấy cảm thấy như thế nào."

“Trong đời cô có ai không?”

“Giá mà ông biết được.”

"Gì cơ?" Tôi hỏi. Từ đó phát ra trong tôi như một tiếng thở dài ngạc nhiên và buồn bã. 





Cô ấy ám chỉ điều gì đây chứ: rằng không có ai trong cuộc sống của cô ấy, hoặc có quá nhiều người, hoặc người đàn ông của cuộc đời cô đã bỏ rơi cô và khiến cô bị tan nát chẳng còn gì ngoài ngoài sự thôi thúc phải trút giận lên chính mình hoặc lên người tình kế tiếp? 

Hay với cô ấy, mọi người chỉ đơn giản là đến và đi, đi và đến, như tôi đã lo sợ rất nhiều người đã làm điều đó với chính con trai mình, hay cô ấy là người đặt chân vào cuộc đời người khác, rồi bước chân ra khỏi mà không để lại dấu vết hay kỷ niệm gì?

“Tôi không biết tôi có phải là người biết thích người khác hay không, chứ nói gì đến đem lòng yêu ai.”, cô ấy nói.

Tôi chỉ có thể nhìn thấy điều đó ở hai người họ - cô ấy và con trai tôi: cùng là những trái tim bị tổn thương, cay đắng rồi thành vô cảm. 

“Có phải là vì cô không biết thích những người khác, hay vì cô cảm thấy mệt mỏi với họ, và cô không thể nhớ là vì sao ngày xưa cô đã  từng thấy họ thú vị?”


6.3.20

Tiểu thuyết "Tìm em" (Find me) | André Aciman | Tempo 02

Tôi có thể nói rằng cô ấy đã rất lịch sự. Nhưng tôi thích cái cách khá bốc đồng và phóng khoáng khi cô ấy chuyển từ trạng thái ủ rũ bồn chồn sang trạng thái hoạt bát, và cho rằng tôi cũng đang chuyển hướng như vậy. Giọng điệu của cô ấy có phần hài hòa với bộ trang phục giản dị: giày leo núi bị trầy xước, một chiếc quần jean, mặt không trang điểm và khoác một chiếc áo sơ mi màu gỗ đỏ, phai màu, chỉ cài nửa nút, bên trong là chiếc áo phông đen. 




Chưa hết, mặc cho vẻ ngoài nhàu nhĩ, cô ấy có đôi mắt màu xanh lá và lông mày đen. Cô ấy biết, tôi nghĩ, cô ấy biết. Có lẽ là biết lý do tại sao tôi đưa ra cái nhận xét ngớ ngẩn đó về sự lém lỉnh của cô ấy. Tôi chắc chắn rằng những người lạ luôn tìm thấy cái cớ này hay cớ khác để bắt đầu một cuộc trò chuyện với cô ấy. 

Sau lời nhận xét khôi hài của cô ấy về Elio con trai tôi, tôi không ngạc nhiên khi thấy cuộc trò chuyện của chúng tôi bị chững lại. Đã đến lúc mỗi người lại dán mắt vào cuốn sách của riêng mình. Nhưng sau đó, cô ấy quay sang tôi và hỏi trống không: “Ông có hào hứng để  gặp con trai mình không?”. 




Một lần nữa, tôi nghĩ rằng cô ấy đang cố mỉa mai tôi bằng cách nào đó, nhưng giọng cô ấy không toát lên ý đồ đó. Có một cái gì đó ngay lập tức lôi cuốn và hóa giải trong cái cách rất riêng mà cô ấy cắt thẳng qua những rào cản giữa hai người xa lạ này trên một chuyến tàu. Tôi thích điều đó. Có lẽ cô ấy muốn biết những gì một người đàn ông gần gấp đôi tuổi cô cảm thấy trước khi gặp con trai mình. Hoặc có lẽ cô ấy chỉ đơn giản là cảm thấy thích đọc sách. Cô ấy đang đợi tôi trả lời. “Thế ông có thấy hạnh phúc không? Hoặc có lẽ là lo lắng?”

“Tôi không thực sự lo lắng, hoặc có lẽ chỉ một chút.”, tôi nói. “Cha mẹ nào cũng luôn sợ mình trở thành kẻ áp đặt, chẳng nói gì hay ho ngoài những điều nhàm chán.”

“Ông nghĩ rằng ông là một người nhàm chán?

Tôi thích khi những gì tôi mới nói đã khiến cô ấy ngạc nhiên.

“Có lẽ tôi là vậy. Nhưng phải đối diện với điều đó thôi, ai mà không vậy chứ.”

“Tôi thì không nghĩ bố tôi là một người nhàm chán.”

Có lẽ tôi đã vô tình xúc phạm cô ấy? “Thế thì tôi xin rút lại lời”, tôi nói.

Cô ấy nhìn tôi và mỉm cười. "Không cần rút nhanh vậy đâu."

Cô ấy đã khỏ nhẹ ngón tay vào bạn, thế mà như đã khoan xuyên bạn. Trong chuyện này, cô ấy làm tôi nhớ đến con trai tôi, cô ấy hơn tuổi nó một chút, nhưng cả hai có cùng khả năng là bóc mẽ tất cả những lời nói dối của tôi, lôi ra mọi cây kim sợi chỉ của tôi, rồi khiến tôi phải lẩn trốn sau cuộc cãi vã. 

Cô là kiểu người gì mà cư xử thế khi khi ai đó quen cô? Tôi muốn hỏi cô ấy như vậy. Cô có phải là người vui tính, bông đùa, tươi tắn, hay có một loại huyết thanh ảm đạm, nóng nảy trong chảy trong huyết quản cô  làm mờ đi những nét đặc trưng của cô, và xóa tan mọi ánh cười trong nụ cười và đôi mắt xanh đó? Tôi muốn biết điều đó, bởi vì tôi không thể nói ra được.

Tôi chuẩn bị khen cô ấy có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác rất tốt thì điện thoại của cô ấy reo. Bạn trai gọi rồi, chắc là vậy rồi! Chứ còn là gì nữa. Tôi đã quen với việc bị gián đoạn bởi điện thoại di động liên tục, đến nỗi giờ mọi cuộc gặp gỡ các sinh viên tại quán cà phê hoặc cuộc nói chuyện với các đồng nghiệp hoặc với con trai tôi đều có một cuộc gọi điện thoại di động nào đó xông vào. 

Cứu vãn nhờ điện thoại, im lặng bởi điện thoại, chuyển hướng vì điện thoại. 

“Chào bố”, cô nói ngay khi chuông reo . Tôi tin rằng cô ấy đã nhấc điện thoại ngay lập tức để ngăn tiếng chuông lớn làm phiền các hành khách khác. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là cách cô ấy hét vào điện thoại. “Cái con tàu chết tiệt này. Nó dừng lại rồi bố ạh, con không biết bao lâu nữa, nhưng sẽ không quá hai giờ. Hẹn sớm gặp lại bố." Người bố đang hỏi cô điều gì đó. “Tất nhiên con đã làm thế, bố già ơi, làm sao mà con quên được.” Ông ta hỏi cái khác. “Cái đó cũng vậy.” Im lặng. "Con cũng vậy. Thương bố nhiều và rất nhiều.”




Cô ấy bấm điện thoại và ném nó vào ba lô, như muốn nói:  chúng ta sẽ không bị gián đoạn nữa. Cô ấy nở một nụ cười khó chịu. “Các ông bố bà mẹ mà”, cô ấy cuối cùng cũng nói, chắc có ý là bố mẹ đâu cũng thế mà.

Nhưng rồi cô giải thích. “Tôi gặp bố vào mỗi cuối tuần, tôi phụ trách chăm sóc ông vào cuối tuần – còn trong tuần thì có mấy đứa cháu và điều dưỡng.”

Trước khi cho tôi một cơ hội để nói điều gì thì cô ấy đã hỏi, “Thế ông ăn diện vì có sự kiện tối nay hả?”.

Thật là một cách hay ho để miêu tả những gì tôi mặc! “Tôi trông có vẻ ăn diện sao?” Tôi trả lời, cố nhắc lại từ cô ấy dùng như một trò đùa để cô ấy không nghĩ rằng tôi đang thả mồi để được khen ngợi.

“Vâng, cái túi vuông, cái áo được là kỹ, không mang cà vạt, nhưng lại có khuy măng-sét? Tôi cho rằng ông có dụng ý. Hơi cổ điển chút, nhưng bảnh bao.”

Cả hai chúng tôi đều mỉm cười.

“Thật ra, tôi có cái này”, tôi nói rồi lôi hờ chiếc cà vạt nhiều màu sắc ra khỏi túi áo khoác và nhét nó trở lại. Tôi muốn cô ấy thấy rằng tôi đã có đủ bộ khiếu hài hước để tự châm chọc bản thân mình.

“Đúng như tôi nghĩ mà”, cô ấy nói. “Ăn diện! Không giống như một giáo sư về hưu trong trang phục chủ nhật, nhưng lại gần như vậy. Vậy, hai bố con ông làm gì ở Rome?”

Cô ấy có bao giờ chịu đầu hàng không nhỉ? Có phải tôi đã bắt đầu một cái gì đó với câu hỏi ban đầu của mình rồi khiến cô ấy nghĩ rằng chúng tôi có thể thân mật đến mức như vậy? 

“Chúng tôi gặp nhau năm hoặc sáu tuần một lần. Thằng bé sống ở Rome nhưng sẽ sớm chuyển đến Paris. Tôi nhớ nó lắm. Tôi thích dành cả ngày với nó; chúng tôi không làm gì cả, thực sự là vậy, chủ yếu là tản bộ, mặc dù thường là lặp lại những lối cũ: những góc Rome của nó, bên cạnh nhạc viện, rồi góc Rome của tôi, nơi tôi từng sống thời là một giáo viên trẻ…”.

MỤC LỤC

Tiểu thuyết "Tìm em" (Find me) | André Aciman | Tempo 01

Sao trông bồn chồn thế?

Tôi đã thấy cô ấy lên tàu tại nhà ga ở Florence. Cô ấy trượt mở cái cửa kính và, khi đã vào trong toa tàu, ngước nhìn xung quanh, rồi ngay lập tức vứt ba lô xuống chiếc ghế trống bên cạnh tôi. Cô cởi cái áo khoác da, đặt xuống cuốn sách bìa mềm bằng tiếng Anh mà cô đang đọc, sau đó đặt một chiếc hộp trắng vuông trên giá hành lý rồi ném mình lên ghế ngồi đối diện với tôi trong sự một hỗn loạn, nóng nảy. 




Cô ấy làm tôi liên tưởng đến một một nhân vật, kiểu như chỉ vừa có một cuộc cãi vã gay gắt vài giây trước khi lên tàu và đầu óc vẫn đang mải miết lặp đi lặp lại những từ mà chính cô ấy hoặc người khác đã tuôn ra trước khi cúp máy. Con cún của cô ấy đang được cô cố giữ chặt giữa hai mắt cá chân trong khi cuộn một dây xích màu đỏ vòng quanh nắm tay của mình, dường như nó không kém phần hốt hoảng so với cô chủ. “Ngoan nào, bé cún ngoan này”, cuối cùng cô ấy cũng cất tiếng, hy vọng làm cho con cún dịu lại. “Ngoan nào ngoan nào” cô ấy lặp lại, trong khi con cún vẫn còn đầy bồn chồn và cố gắng vặn vẹo ra khỏi sự kìm kẹp. 

Sự hiện diện của con chó làm tôi khó chịu, và theo bản năng, tôi đã không nới đôi chân hoặc nhích mình để nhường chỗ cho nó. Nhưng cô ấy dường như không chú ý đến tôi hoặc ngôn ngữ cơ thể của tôi. Thay vào đó, cô lập tức lục lọi trong ba lô, tìm thấy một chiếc túi nhựa mỏng và lấy ra hai món đồ nhỏ hình xương cho con chó, sau đó đặt chúng vào lòng bàn tay và nhìn con cún liếm chúng.





“Bữa trưa” làm con cún dịu lại trong giây lát, cô nhấc mình trên ghế để sửa áo, rồi nhích qua nhích lại trên chỗ ngồi một hai lần, rồi lại rơi vào trạng thái trầm tư, nhìn chằm chằm vào khung cảnh Florence một cách thờ ơ khi con tàu bắt đầu rời khỏi nhà ga Santa Maria Novella . Cô vẫn đang hậm hực trong lòng, có lẽ một cách vô thức, lắc đầu, một lần, hai lần, rõ ràng là trong đầu vẫn còn đang chửi rủa ai đó mà cô đã cãi nhau trước khi lên tàu. 

Trong một khoảnh khắc cô ấy trông hoàn toàn tuyệt vọng đến nỗi, trong khi vẫn nhìn chằm chằm vào cuốn sách đang mở ra của mình, tôi nhận ra mình đang vật lộn trong đầu để nghĩ ra điều gì đó tôi cần làm chỉ để giúp xoa dịu những vòng xoáy đang ngày một dồn dập,  sắp hình thành một cơn lốc làm nổ tung cái cái góc ngồi nho nhỏ của hai chúng tôi  cuối toa tàu. 

Sau đó tôi nghĩ khác về chuyện đó. Tốt hơn là cứ mặc cô ấy một mình và tiếp tục với việc đọc của tôi. Nhưng khi tôi bắt gặp cô ấy đang nhìn mình, tôi không thể kìm lòng: “Sao cô lại bồn chồn vậy?”, tôi hỏi.

Ngay sau đó tôi mới nhận ra câu hỏi của tôi hoàn toàn không phù hợp với một người xa lạ trên tàu, chứ chưa nói đến một người mà dường như sẵn sàng nổ tung trước mọi sự khiêu khích dù là nhỏ nhất. Tất cả những gì cô ấy làm là nhìn chằm chằm vào tôi với một ánh mắt khó hiểu, sự thù địch trong mắt cô ấy khiến tôi lo sợ những từ ngữ sắp đổ ập lên tôi sẽ kiểu như: “Lo chuyện của ông đi, ông già” hoặc “Thế có gì liên quan đến ông sao?”. Hoặc cô ấy sẽ trơ mặt lên và thốt ra một lời quở trách đầy héo mòn: “Đậu má!”





“Không, không phải là bồn chồn, tôi chỉ đang suy nghĩ thôi”, cô nói.

Tôi như khựng lại bởi giọng điệu nhẹ nhàng của cô ấy, nó khiến tôi gần như không nói nên lời, tệ hại hơn cả cái giả cảnh cô ấy bảo tôi câm mồm lại.

“Có lẽ suy nghĩ làm cho tôi trông có vẻ bồn chồn.”

“Thế cô đang có những suy nghĩ vui vẻ?”

“Không, cũng không vui!” cô ấy trả lời.

Tôi mỉm cười nhưng không nói gì, trong lòng đã hối hận vì lời nói đùa nông cạn, kẻ cả của tôi.

“Nhưng đại khái cũng khá bồn chồn”, cô ấy nói thêm, thừa nhận chút ít quan điểm của tôi với tiếng cười nhượng bộ.

Tôi xin lỗi vì cái sự có vẻ vô duyên của mình.

“Không sao đâu”, cô nói, trong lúc mắt nhìn quét qua những cảnh nông thôn bắt đầu xuất hiện bên ngoài cửa sổ toa tàu. “Cô là người Mỹ ah?”, tôi hỏi. Cô ấy trả lời đúng. “Tôi cũng là người Mỹ”.  “Tôi có thể đoán từ giọng của ông”, cô ấy nói thêm với một nụ cười. Tôi đã giải thích rằng tôi đã sống ở Ý trong gần ba mươi năm, nhưng không  để cuộc sống thay đổi chất giọng của tôi. Khi tôi hỏi, cô ấy trả lời rằng cô ấy đã định cư ở Ý với bố mẹ khi cô ấy mười hai tuổi.

Cả hai chúng tôi đều hướng đến Rome. "Cho công việc?" Tôi hỏi.

“Không, không phải vì công việc. Là vì cha tôi. Ông ấy không khỏe.” Rồi cô ấy ngước mắt lên.

Tôi: “Điều đó có thể giải thích về sự bồn chồn của cô, tôi cho là vậy. Có nghiêm trọng không?”

"Tôi nghĩ vậy."

“Tôi xin lỗi”, tôi nói.

Cô nhún vai. "Cuộc sống mà!"

Sau đó, có sự thay đổi giọng điệu của cô ấy: “Còn ông thì sao? Vì công việc hay đi du lịch?”

Tôi mỉm cười trước câu hỏi giả định đó và giải thích rằng tôi được mời thỉnh giảng cho sinh viên đại học. Nhưng tôi cũng đang đi thăm  con trai tôi, đang sống ở Rome và đang chờ đón tôi ở nhà ga.

“Chắc đó là một cậu bé dễ thương.”


SPONSORS